Home Tin Mỹ Sinh viên Mỹ du học nước ngoài

Sinh viên Mỹ du học nước ngoài

Brent Bowers, một sinh viên Ðại Học North Carolina-Wilmington, sang Ðại Học University of Hong Kong du học từ mùa Thu năm 2009 qua chương trình du học nước ngoài AsiaLearn. Sau đây là ý kiến và cảm tưởng của anh về kinh nghiệm du học tại cựu thuộc địa này của Anh hiện thuộc Trung Quốc.

Tôi như bỗng dưng được đẩy vào một môi trường có tính cách toàn cầu qua thời gian đi du học tại Hồng Kông. Ðây quả là một nền giáo dục ứng dụng trong ý nghĩa chính xác nhất và cũng là một kinh nghiệm tự học, vì nơi đây không những chỉ có trường lớp mà còn có cả một xã hội muôn màu, muôn vẻ bên ngoài.

Tôi cảm thấy khó mà giải thích những lợi ích của kinh nghiệm này. Dường như nó ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của tôi, thường là bằng những cách thế đáng ngạc nhiên và bất ngờ. Hoài niệm về kinh nghiệm theo học ở Hồng Kông vẫn còn ăn sâu trong tâm khảm tôi, như thể đó là một cuộc hành hương mà từ đó tôi cảm thấy mình được tái sinh. Nhờ lần đi học này mà tôi có được một diễn trường cho sự phát triển cá nhân. Ðây không phải đơn giản chỉ là lật sang một trang mới hoặc một chương mới mà là toàn bộ một quyển sách mới.

Hồng Kông là tất cả mọi sự bất ngờ đối với tôi, và vượt xa ra ngoài những gì tôi từng hiểu khi chưa đặt chân đến đây. Ðiều này ảnh hưởng đến tôi về mọi mặt, từ những gì tôi từng nghe, thấy cho đến cả những tư duy, cảm xúc, ý niệm của tôi… Trong tôi đã in sâu một cái nhìn về thế giới mà có thể tôi chưa thể nào tỏ bày hết được.

Tôi chọn việc học tại Hồng Kông để đặc biệt kinh qua cái nền văn hóa và cái thế giới riêng của Hồng Kông. Ðô thị này có một vị thế đặc biệt của một thành phố của thế giới, một trung tâm thương mại, một mối dây liên hệ văn hóa giữa Ðông và Tây, và là một địa bàn chính trị độc đáo mà thế giới đôi khi bỏ sót. Ðây là một nơi mà tôi cảm thấy mình có liên hệ mật thiết trong tâm tưởng. “Tại sao lại đi học ở Hồng Kông?” có người sẽ hỏi như vậy, và rồi tất cả đều khởi sự từ đây.

Cho tới ngày nay, tôi tiếp tục tự hỏi kinh nghiệm này đã ảnh hưởng sâu đậm trong tôi biết dường nào. Sự thể rồi đây thế nào tôi cũng phải mất một thời gian ngắn để thích ứng trở lại với cuộc sống nơi quê nhà là dấu hiệu cho thấy kinh nghiệm học hỏi của tôi tại Hồng Kông đã để lại trong tôi dấu ấn mạnh mẽ như thế nào.

Tôi đến từ một trường đại học ít người biết tiếng với một tập thể sinh viên tương đối thuần chủng (90% là da trắng, hầu hết là người miền North Carolina). Ðại học của tôi cho ra trường hết khóa này đến khóa nọ, mỗi khóa đều cố gắng vươn lên để có tiếng nói mạnh mẽ hơn thế hệ đàn anh. “Nè, tôi khác biệt với tất cả các sinh viên khác đấy nhé!” Vâng, kinh nghiệm sống từ những chân trời xa lạ tự nó nổi bật lên. Tôi là cá nhân duy nhất từ đại học của tôi đi học ở Hồng Kông, và một trong số rất ít sinh viên trong trường (dưới con số 5) theo học tại Á Châu. Ấy vậy mà tại Hồng Kông, tôi đã gặp gỡ người từ khắp năm châu, bốn biển, làm bạn với họ, tranh luận với họ, và tôi đã chứng kiến sự tập trung cả một thế hệ mới của con người nơi đây. Ðó là một ý niệm có tính năng động, và tôi cũng không rõ là mình có thể lãnh hội được hết những gì mà tôi vừa mới góp nhặt được hay không.

Vì thế, tôi phải nhìn cho rõ những diễn tiến của nỗ lực đem lại giá trị cho viễn kiến “Ðông gặp Tây” mà Hồng Kông có vẻ như đang tiêu biểu. Tôi đang khởi sự tìm kiếm các cơ hội đi dạy ở nước ngoài sau khi tôi ra trường vào tháng 5 này. Và nếu không phải tại Hồng Kông thì cũng là tại các nơi khác như Nhật Bản, Nam Hàn, Hoa Lục và Ðài Loan. Tôi cũng hy vọng sẽ quảng bá – trong giới sinh viên Mỹ – cái lý tưởng đi du học nước ngoài, nói chung, và du học tại Viễn Ðông, nói riêng. Thế giới chúng ta có quá nhiều điều phải học hỏi lẫn nhau thay vì gạt bỏ nhau ra khỏi tâm tư mình.

Dĩ nhiên là Hồng Kông không phải là chốn nơi dành cho tất cả mọi người. Nơi đây đòi hỏi phải có kiên nhẫn, tin cậy và thiện chí để trải qua các kinh nghiệm mới lạ. Một trong các giá trị lớn trong kinh nghiệm du học Hồng Kông của tôi là lãnh thổ này thật phức tạp, thật khó hiểu và làm cho người từ xứ khác đến phải băn khoăn.

Trở về Hoa Kỳ, tôi mới biết là người ta đã hiểu lầm về người Trung Hoa và các dân tộc Á Châu khác. Sự hiểu lầm này được thể hiện qua nhiều khía cạnh – từ những câu nói bông đùa dựa trên thói quen vơ đũa cả nắm cho tới việc bám giữ lấy tư tưởng kỳ thị chủng tộc. Tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ tranh đấu chống lại sự thiếu hiểu biết này, mà cội nguồn của tình trạng đó vẫn là tư tưởng ngại đi học hỏi phương xa. Thật ra thì có rất nhiều điều mà mọi người phải học hỏi giữa hai thế giới. Và tôi không tự nhận là biết nhiều chỉ qua một thời gian du học ngắn ngủi, nhưng tôi thật sự mong muốn thăng tiến lợi ích của sự hiểu biết về những chân trời xa lạ. Và đây chính là điều mà tôi nghĩ là phương cách trực tiếp nhất để hội nhập vào một nền văn hóa mới mang tính toàn cầu.

Trước khi đến Hồng Kông, tôi có hỏi ý kiến một bạn học gốc người Thụy Ðiển từng đi du lịch đó đây tại Á Châu. Anh này nói, “Một khi đã đến Hồng Kông, đừng trả lời ‘không’ cho bất cứ cái gì (dĩ nhiên là ngoại trừ những chuyện dính díu tới luật pháp và sức khỏe). Ðây là một lời khuyên rất hữu ích đã giúp củng cố tinh thần mạo hiểm và làm cho kinh nghiện sống của tôi tại Hồng Kông thêm tuyệt vời. Gặp một món ăn nom lạ mắt? Hãy cứ thử đi. Chứng kiến một nghi lễ cổ truyền của địa phương? Cứ tham dự. Bất chợt đi tới những chỗ trên lãnh thổ Hồng Kông mà không biết mình sẽ học hỏi được gì và làm sao để quay về? Cứ đi đi thì sẽ biết. Tóm lại, chỉ cần có ý thức sẵn sàng làm mọi sự là đủ rồi cho một sinh viên du học Hồng Kông.

(Nguồn: globalinksnewswire.com)